Tri thức là sức mạnh!

Chúc các Anh/Chị thành công!


Phạm Phúc Vĩnh

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

Hướng dẫn tổ chức đánh giá Luận án Tiến sĩ

Dưới đây, chúng tôi giới thiệu mục IV trước và sau đó là các mục còn lại

IV. LUẬN ÁN VÀ TÓM TẮT LUẬN ÁN

Luận án của nghiên cứu sinh trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thỏa mãn các yêu cầu về nội dung và hình thức quy định tại Điều 20 Quy chế.
 4.1 Về bố cục
Số chương của mỗi luận án tùy thuộc vào từng chuyên ngành và đề tài cụ thể, nhưng thông thường bao gồm những phần và chương sau:
MỞ ĐẦU: trình bày lý do chọn đề tài, mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài nghiên cứu.
TỔNG QUAN: phân tích, đánh giá các công trình nghiên cứu đã có của các giả trong và ngoài nước liên quan mật thiết đến đề tài luận án; nêu những vấn đề còn tồn tại; chỉ ra những vấn đề mà đề tài luận án cần tập trung nghiên cứu, giải quyết.
NHỮNG NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM HOẶC LÝ THUYẾT: Trình bày cơ sở lý thuyết, lý luận, giả thuyết khoa học và phương pháp nghiên cứu đã được sử dụng trong luận án.
TRÌNH BÀY, ĐÁNH GIÁ BÀN LUẬN CÁC KẾT QUẢ: mô tả ngắn gọn công việc nghiên cứu khoa học đã tiến hành, các số liệu nghiên cứu khoa học hoặc số liệu thực nghiệm. Phần bàn luận phải căn cứ vào các dẫn liệu khoa học thu được trong quá trình nghiên cứu của đề tài luận án hoặc đối chiếu với kết quả nghiên cứu của các tác giả khác thông qua các tài liệu tham khảo.
KẾT LUẬN: trình bày những kết quả mới của luận án một cách ngắn gọn, không có lời bàn và bình luận thêm.
KIẾN NGHỊ VỀ NHỮNG NGHIÊN CỨU TIẾP THEO.
DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ: Liệt kê các bài báo, công trình đã công bố của tác giả về nội dung của đề tài luận án, theo trình tự thời gian công bố.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO: chỉ bao gồm các tài liệu được trích dẫn, sử dụng và đề cập tới để bàn luận trong luận án.
PHỤ LỤC.
4.2 Về trình bày
Luận án phải được trình bày gắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, sạch sẽ, không được tẩy xóa, có đánh số trang, đánh số bảng biểu, hình vẽ, đồ thị. Tác giả luận án cần có lời cam đoan danh dự về công trình khoa học này của mình. Luận án đóng bìa cứng, in chữ nhũ đủ dấu tiếng Việt (xem phụ lục 10). Trang phụ bìa (title page) (xem phụ lục 11).
1. Soạn thảo văn bản
Luận án sử dụng chữ .VnTime (nên dùng font chữ Times New Roman, luận án Toán học nên sử dụng LaTeX - chú thích của Trường ĐHSP Tp.HCM) cỡ 13 hoặc 14 của hệ soạn thảo Winword hoặc tương đương; mật độ chữ bình thường, không được nén hoặc kéo dãn khoảng cách giữa các chữ; dãn dòng đặt ở chế độ 1,5 lines; lề trên 3,5cm; lề dưới 3 cm; lề trái 3,5cm; lề phải 2 cm. Số trang được đánh ở giữa, phía trên đầu mỗi trang giấy. Nếu có bảng biểu, hình vẽ trình bày theo chiều ngang khổ giấy thì đầu bảng là lề trái của trang, nhưng nên hạn chế trình bày theo cách này.
Luận án được in trên một mặt giấy trắng khổ A4 (210 x 297 mm), dày không quá 150 trang (khoảng 45.000 chữ), không kể phụ lục. Đối với các lĩnh vực khoa học xã hội thì luận án có thể đến 200 trang.
2.  Tiểu mục
Các tiểu mục của luận án được trình bày và đánh số thành nhóm chữ số, nhiều nhất gồm bốn chữ số với số thứ nhất chỉ số chương (ví dụ: 4.1.2.1 chỉ tiểu mục 1 nhóm tiểu mục 2 mục 1 chương 4). Tại mỗi nhóm tiểu mục phải có ít nhất hai tiểu mục, nghĩa là không thể có tiểu mục 2.1.1 mà không có tiểu mục 2.1.2 tiếp theo.
3.  Bảng biểu, hình vẽ, phương trình
Việc đánh số bảng biểu, hình vẽ, phương trình phải gắn với số chương; ví dụ Hình 3.4 có nghĩa là hình thứ 4 trong Chương 3. Mọi đồ thị, bảng biểu lấy từ các nguồn khác phải được trích dẫn đầy đủ, ví dụ “Nguồn: Bộ Tài chính 1996”. Nguồn được trích dẫn phải được liệt kê chính xác trong danh mục Tài liệu tham khảo. Đầu đề của bảng biểu ghi phía trên bảng, đầu đề của hình vẽ ghi phía dưới hình. Thông thường, những bảng ngắn và đồ thị nhỏ phải đi liền với phần nội dung đề cập tới các bảng và đồ thị này ở lần thứ nhất. Các bảng dài có thể để ở những trang riêng nhưng cũng phải tiếp theo ngay phần nội dung đề cập tới bảng này ở lần đầu tiên.
Các bảng rộng vẫn nên trình bày theo chiều đứng dài 297 mm của trang giấy, chiều rộng của trang giấy có thể hơn 210 mm. Chú ý gấp trang giấy này như minh họa ở Hình 4.1 sao cho số và đầu đề của hình vẽ hoặc bảng vẫn có thể nhìn thấy ngay mà không cần mở rộng tờ giấy. Cách làm này cũng giúp để tránh bị đóng vào gáy của luận án phần mép gấp bên trong hoặc xén rời mất phần mép gấp bên ngoài. Tuy nhiên nên hạn chế sử dụng các bảng quá rộng này.
Hình 4.1 Cách gấp trang giấy rộng hơn 210 mm
Hình 4.1 Cách gấp trang giấy rộng hơn 210 mm
Trong mọi trường hợp, bốn lề bao quanh phần văn bản và bảng biểu vẫn như quy định tại khoản 1 mục 4.2 Hướng dẫn này.
Đối với những trang giấy có chiều đứng hơn 297 mm (bản đồ, bản vẽ…) thì có thể để trong một phong bì cứng đính bên trong  bìa sau luận án.
Trong luận án, các hình vẽ phải được vẽ sạch sẽ bằng mực đen để có thể sao chụp lại; có đánh số và ghi đầy đủ đầu đề; cỡ chữ phải bằng cỡ chữ sử dụng trong văn bản luận án. Khi đề cập đến các bảng biểu và hình vẽ phải nêu rõ số của hình và bảng biểu đó, ví dụ “… được nêu trong Bảng 4.1” hoặc “(xem Hình 3.2)" mà không được viết “… được nêu trong bảng dưới đây” hoặc “trong đồ thị của X và Y sau”.
Việc trình bày phương trình toán học trên một dòng đơn hoặc dòng kép là tùy ý, tuy nhiên phải thống nhất trong toàn luận án. Khi ký hiệu xuất hiện lần đầu tiên thì phải giải thích và đơn vị tính phải đi kèm ngay trong phương trình có ký hiệu đó. Nếu cần thiết, danh mục của tất cả các ký hiệu, chữ viết tắt và nghĩa của chúng cần được liệt kê và để ở phần đầu của luận án. Tất cả các phương trình cần được đánh số và để trong ngoặc đơn đặt bên phía lề phải. Nếu một nhóm phương trình mang cùng một số thì những số này cũng được để trong ngoặc, hoặc mỗi phương trình trong nhóm phương trình (5.1) có thể được đánh số là (5.1.1), (5.1.2), (5.1.3).
4.  Viết tắt
Không lạm dụng việc viết tắt trong luận án. Chỉ viết tắt những từ, cụm từ hoặc thuật ngữ được sử dụng nhiều lần trong luận án. Không viết tắt những cụm từ dài, những mệnh đề; không viết tắt những cụm từ ít xuất hiện trong luận án. Nếu cần viết tắt những từ, thuật ngữ, tên các cơ quan, tổ chức… thì được viết tắt sau lần viết thứ nhất có kèm theo chữ viết tắt trong ngoặc đơn. Nếu luận án có nhiều chữ viết tắt thì phải có bảng danh mục các chữ viết tắt (xếp theo thứ tự ABC) ở phần đầu luận án.
5.  Tài liệu tham khảo và cách trích dẫn
Mọi ý kiến, khái niệm có ý nghĩa, mang tích chất gợi ý không phải của riêng tác giả và mọi tham khảo khác phải được trích dẫn và chỉ rõ nguồn trong danh mục Tài liệu tham khảo của luận án. Phải nêu rõ cả việc sử dụng những đề xuất hoặc kết quả của đồng tác giả. Nếu sử dụng tài liệu của người khác và của đồng tác giả (bảng biểu, hình vẽ, công thức, đồ thị, phương trình, ý tưởng…) mà không chú dẫn tác giả và nguồn tài liệu thì luận án không được duyệt để bảo vệ.
Không trích dẫn những kiến thức phổ biến, mọi người đều biết cũng như không làm luận án nặng nề với những tham khảo trích dẫn. Việc trích dẫn, tham khảo chủ yếu nhằm thừa nhận nguồn của những ý tưởng có giá trị và giúp người đọc theo được mạch suy nghĩ của tác giả, không làm trở ngại việc đọc.
Nếu không có điều kiện tiếp cận được một tài liệu gốc mà phải trích dẫn thông qua một tài liệu khác thì phải nêu rõ cách trích dẫn này, đồng thời tài liệu gốc đó không được liệt kê trong danh mục Tài liệu tham khảo của luận án.
Khi cần trích dẫn một đoạn ít hơn hai câu hoặc bốn dòng đánh máy thì có thể sử dụng dấu ngoặc kép để mở đầu và kết thúc phần trích dẫn. Nếu cần trích dẫn dài hơn thì phải tách phần này thành một đoạn riêng khỏi phần nội dung đang trình bày, với lề trái lùi vào thêm 2 cm. Khi này mở đầu và kết thúc đoạn trích này không phải sử dụng dấu ngoặc kép.
Cách xếp danh mục Tài liệu tham khảo xem phụ lục 14 Hướng dẫn này. Việc trích dẫn là theo số thứ tự của tài liệu ở danh mục Tài liệu tham khảo và được đặt trong ngoặc vuông, khi cần có cả số trang, ví dụ [15, tr.314-315]. Đối với phần được trích dẫn từ nhiều tài liệu khác nhau, số của từng tài liệu được đặt độc lập trong từng ngoặc vuông, theo thứ tự tăng dần, ví dụ [19], [25], [41], [42].
6.  Phụ lục của luận án
Phần này bao gồm những nội dung cần thiết nhằm minh họa hoặc bổ trợ cho nội dung luận án như số liệu, mẫu biểu, tranh ảnh… Nếu luận án sử dụng những câu trả lời cho một bản câu hỏi thì bản câu hỏi mẫu này phải được đưa vào phần Phụ lục ở dạng nguyên bản đã cùng để điều tra, thăm dò ý kiến; không được tóm tắt hoạêc sửa đổi. Cách tính toán mẫu trình bày tóm tắt trong các bảng biểu cũng cần nêu trong Phụ lục của luận án. Phụ lục không được dày hơn phần chính của luận án.
Hình 4.2 là ví dụ minh họa bố cục của luận án qua trang Mục lục. Nên sắp xếp sao cho mục lục của luận án gọn trong một trang giấy
MỤC LỤC





trang


Trang phụ bìa




Lời cam đoan




Mục lục




Danh mục các ký hiệu, các chữ viết tắt




Danh mục các bảng




Danh mục các hình vẽ, đồ thị




MỞ ĐẦU









Chương 1 - TỔNG QUAN


1.1....


1.2....


Chương 2 - ....



2.1....











2.1.1...




2.1.2...



2.2....



....


Chương 4 - KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN


KẾT QUẢ VÀ KIẾN NGHỊ


DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ


TÀI LIỆU THAM KHẢO


PHỤ LỤC








Hình 4.2. Ví dụ về trang mục lục của một luận án

7. Tóm tắt luận án
Tóm tắt luận án phải in chụp hoặc in typô với số lượng 80 - 100 bản, kích thước 140 x 210 mm (khổ A4 gập đôi). Tóm tắt luận án phải được trình bày rõ ràng, mạch lạc, sạch sẽ, không được tẩy xóa. Số của bảng biểu, hình vẽ, đồ thị phải có cùng số như trong luận án.
Tóm tắt luận án được trình bày nhiều nhất trong 24 trang in trên hai mặt giấy; cỡ chữ .VnTime 11 (nên dùng Times New Roman 11 - chú thích của Trường ĐHSP Tp.HCM) của hệ soạn thảo Winword hoặc tương đương. Mật độ chữ bình thường, không được nén hoặc kéo dãn khoảng cách giữa các chữ. Chế độ dãn dòng là Exactly 17pt. Lề trên, lề dưới, lề trái, lề phải đều là 2 cm. Cách bảng biểu trình bày theo chiều ngang khổ giấy thì đầu bảng là lề trái của trang. Tóm tắt luận án phải phản ảnh trung thực kết cấu, bố cục và nội dung của luận án, phải ghi đầy đủ toàn văn kết luận của luận án.
Cuối bản tóm tắt luận án là danh mục các công trình của tác giả đã công bố liên quan đến đề tài luận án với đầy đủ thông tin về tên tác giả, năm xuất bản, tên bài báo, tên tạp chí, tập, số, số trang của bài báo trên tạp chí. Danh mục này có thể in trên trang bìa 3 của tóm tắt luận án.
Trang bìa 1 và 2 của tóm tắt luận án xem phụ lục 12, 13 Hướng dẫn này.
4.3 Về số lượng và quy cách của luận án, tóm tắt luận án
Tại từng thời điểm của quá trình đánh giá luận án, nghiên cứu sinh cần chuẩn bị luận án và tóm tắt luận án như gợi ý ở bảng 4.1:
Bảng 4.1  Số lượng, quy cách của luận án và tóm tắt luận án cần chuẩn bị tại từng thời điểm xét duyệt. 
Thời điểm Số bản in Nơi gửi Quy cách
Luận
án
Tóm
tắt
  1. Đánh giá luận án
    ở bộ môn
12
đến
15
12
đến
15
  • Người hướng dẫn
  • Bộ môn đào tạo
  • Khoa chuyên môn
  • Phòng Sau đại học
  • Các thành viên HĐ
  • Người tham dự
  • Theo quy định tại mục 4.2 Hướng dẫn này (dưới đây gọi là quy cách 4.2).
  • Luận án đóng bìa mềm
  1. Trình Bộ Giáo dục
    và Đào tạo
2 3 Vụ Sau đại học - Bộ GD và ĐT để gửi phản biện độc lập
  • Theo quy cách 4.2 và theo quy định tại khoản 14, 15 mục 2.1 Hướng dẫn này 
  1. Sau khi phản biện độc lập, để thành lập và bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước
1 3 Vụ Sau đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo  
  • Theo quy cách 4.2.
  • Có đầy đủ thông tin về tên cơ sở đào tạo, NCS và người hướng dẫn trong luận án và tóm tắt luận án.
  • Luận án đóng bìa cứng.
  1. Sau khi có quyết định Hội đồng cấp nhà nước
12
đến
15
80
đến
100
  • Như thời điểm 1.
  • Tóm tắt luận án gửi đi theo danh sách đã được Hội đồng đánh giá luận án ở bộ môn duyệt.
  • Như thời điểm 3.
  • Tên phản biện đã được điền đầy đủ vào trang bìa 2 tóm tắt luận án.
  • Luận án có thể không đóng bìa cứng (tùy cơ sở đào tạo).
  1. Sau khi bảo vệ cấp nhà nước
1 1
  • Thư viện Quốc gia
  • Như thời điểm 4.
  • Luận án đóng bìa cứng, theo quy định tại mục 3.1 phần III Hướng dẫn này.
3 3
  • Vụ Sau đại học - Bộ GD và ĐT, trong trường hợp cần thẩm định luận án
  • Như thời điểm 4.

Tiếp theo là các mục còn lại:

(Ban hành kèm theo công văn số 8217/SĐH ngày 01/09/2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
về việc hướng dẫn đánh giá luận án tiến sĩ)

Đánh giá luận án là khâu cuối cùng trong quá trình đào tạo tiến sĩ, có vị trí quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo. Vì vậy các cơ sở đào tạo cần tổ chức việc đánh giá luận án một cách nghiêm túc, có chuẩn bị chu đáo, đảm bảo các yêu cầu quy định. Đánh giá luận án được tiến hành theo hai bước:
1.  Đánh giá luận án ở bộ môn.
2.  Bảo vệ luận án cấp nhà nước.

I. ĐÁNH GIÁ LUẬN ÁN Ở BỘ MÔN

Đánh giá luận án ở bộ môn là khâu quan trọng có tính quyết định đối với chất lượng của luận án tiến sĩ.
Trong buổi đánh giá luận án tiến sĩ ở bộ môn, ngoài các thành viên hội đồng, thành viên của bộ môn, cơ sở đào tạo cần mời rộng rãi các nhà khoa học cùng hoặc gần gũi với chuyên ngành của đề tài luận án thuộc cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu hoặc sản xuất đã ứng dụng kết quả nghiên cứu của luận án, nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ ra những thiếu sót về nội dung, hình thức, phương pháp nghiên cứu, các kết luận, những điểm cần bổ sung và sửa chữa.
Việc đánh giá luận án ở bộ môn xem xét có giá trị tư vấn cho Thủ tướng cơ sở đào tạo xem xét đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép nghiên cứu sinh được bảo vệ luận án cấp nhà nước.
1.1  Điều kiện để được tổ chức đánh giá luận án ở bộ môn
Luận án của nghiên cứu sinh được đưa ra đánh giá ở bộ môn khi:
1. Nghiên cứu sinh đã hoàn thành chương trình đào tạo theo quy định ở Điều 14 Quy chế Đào tạo sau đại học (sau đây gọi tắt là Quy chế).
2. Tập thể hướng dẫn có văn bản khẳng định chất lượng luận án; nhận xét về tinh thần, thái độ, kết quả học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh và đề nghị cho nghiên cứu sinh được bảo vệ luận án.
3. Nội dung chủ yếu của luận án đã được báo cáo trong các buổi sinh hoạt khoa học của bộ môn và đã được công bố trong ít nhất hai bài báo trên các tạp chí khoa học ở trong, ngoài nước hay tuyển tập Hội nghị khoa học.
4. Nếu luận án là công trình khoa học hoặc một phần công trình khoa học của một tập thể trong đó tác giả đóng góp phần chính thì phải có văn bản của các tác giả đồng ý cho phép tác giả luận án sử dụng các kết quả nghiên cứu đó trong luận án để bảo vệ nhận học vị tiến sĩ.
1.2 Hội đồng đánh giá luận án ở bộ môn
Sau khi nghiên cứu sinh có đủ các điều kiện quy định ở mục 1.1, phòng Sau đại học trình Thủ trưởng cơ sở đào tạo xem xét, ra quyết định thành lập Hội đồng đánh giá luận án ở bộ môn.
1. Hội đồng đánh giá luận án ở bộ môn được quy định tại khoản 2, 3 Điều 23 Quy chế. Thành phần Hội đồng bao gồm chủ tịch, thư ký, hai người giới thiệu luận án và các ủy viên. Các thành viên của Hội đồng phải là người không có quan hệ cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột với nghiên cứu sinh, không là cán bộ cấp dưới trực tiếp của nghiên cứu sinh. Các thành viên hội đồng phải đọc và có nhận xét về luận án.
2. Người giới thiệu luận án phải am hiểu lĩnh vực nghiên cứu của đề tài luận án, đọc và có bản nhận xét về dự thảo luận án của nghiên cứu sinh. Bản nhận xét giới thiệu luận án cần nêu rõ:
Ý nghĩa khoa học của đề tài luận án.
Sự hợp lý và độ tin cậy của các phương pháp nghiên cứu.
Đánh giá các kết quả đạt được, nêu lên những đóng góp mới và giá trị của những đóng góp đó.
Những ưu điểm và thiếu sót, những điểm cần bổ sung và sửa chữa.
Nhận xét về chất lượng các bài báo khoa học đã được công bố của nghiên cứu sinh, khẳng định các bài báo đó chứa đựng nội dung chủ yếu của luận án hay chưa.
Kết luận của bản nhận xét phải khẳng định nội dung và hình thức của luận án có đáp ứng yêu cầu một luận án tiến sĩ nêu ở Điều 20 Quy chế và có đủ điều kiện để bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước hay chưa.
3. Hội đồng không họp để đánh giá luận án ở bộ môn nếu xảy ra một trong những trường hợp sau:
Số thành viên hội đồng có mặt ít hơn 5 người.
Vắng mặt chủ tịch hội đồng.
Vắng mặt cả hai người giới thiệu luận án.
Vắng mặt thành viên hội đồng có ý kiến không tán thành luận án.
Nghiên cứu sinh đang bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.
 1.3 Tiến hành buổi đánh giá luận án ở bộ môn
1. Trình tự tiến hành buổi đánh giá luận án ở bộ môn:
Đại diện cơ sở đào tạo tuyên bố lý do, đọc quyết định thành lập Hội đồng đánh giá luận án ở bộ môn của Thủ trưởng cơ sở đào tạo.
Chủ tịch Hội đồng điều khiển buổi họp đánh giá luận án, công bố số lượng thành viên của Hội đồng và các điều kiện để được tiến hành đánh giá luận án ở bộ môn quy định tại mục 1.1 và 1.2 Hướng dẫn này.
Nghiên cứu sinh trình bày nội dung luận án, không đọc theo tóm tắt luận án hoặc theo văn bản đã chuẩn bị. Không hạn chế thời gian trình bày của nghiên cứu sinh.
Hai người giới thiệu luận án đọc nhận xét.
Các thành viên hội đồng và những người tham dự đặt câu hỏi hoặc phát biểu ý kiến về những kết quả đã đạt được, những điểm mới của luận án, những vấn đề chưa giải quyết được, những điểm cần bổ sung hoặc sửa chữa.
Nghiên cứu sinh trả lời các câu hỏi và các ý kiến trao đổi.
Nếu không còn vấn đề tranh luận hoặc các vấn đề đã được làm rõ, Hội đồng họp riêng. Từng thành viên hội đồng ghi ý kiến nhận xét vào phiếu nhận xét (mẫu phiếu nhận xét xem phụ lục 1) và phải ghi rõ tán thành hay chưa tán thành để luận án được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước. Nếu từ 3/4 trở lên số thành viên có mặt tán thành thì luận án đạt yêu cầu. Dựa vào nhận xét của các thành viên, Hội đồng thảo luận để thông qua kết luận của Hội đồng.
Chủ tịch hội đồng công bố kết luận của Hội đồng. Kết luận của Hội đồng cần khẳng định:
* Tên đề tài luận án có phù hợp với nội dung và mã số chuyên ngành, có trùng lặp về đề tài và nội dung với các luận án đã bảo vệ hay không.
Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài.
Những kết quả mới đã đạt được.
Những thiếu sót của luận án, vấn đề cần bổ sung, sửa chữa.
Mức độ đáp ứng yêu cầu của luận án tiến sĩ về cả nội dung và hình thức theo quy định tại Điều 20 Quy chế.
Kết luận: đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép nghiên cứu sinh bảo vệ luận án cấp nhà nước hay chưa.
2. Nếu luận án đạt yêu cầu thì Hội đồng cho phép in tóm tắt luận án, thông qua danh sách những cơ quan và cá nhân để gửi tóm tắt luận án (ít nhất 50 địa chỉ). Danh sách gửi tóm tắt luận án bao gồm đầy đủ các cơ quan, các nhà khoa học có cùng chuyên ngành và gần ngành, là những cơ quan và cá nhân quan tâm, nghiên cứu hoặc có thể ứng dụng những vấn đề trong luận án. Nếu luận án có tính chất liên ngành thì tóm tắt luận án cũng phải được gửi tới các cơ quan và các nhà khoa học thuộc liên ngành đó. Danh sách này cần ghi đầy đủ họ tên, học vị, chức danh, chuyên ngành, nơi làm việc của từng nhà khoa học.
3. Biên bản cuộc họp đánh giá luận án cần ghi rõ:
Thành viên hội đồng có mặt (họ tên, học vị, chức danh khoa học, chuyên ngành, nơi làm việc, trách nhiệm trong Hội đồng).
* Khách tham dự (họ tên, học vị, chức danh khoa học, chuyên ngành, nơi làm việc).
Chi tiết diễn biến buổi bảo vệ, những câu hỏi hoặc ý kiến trao đổi, phát biểu của thành viên hội đồng và khách mời (ghi rõ họ tên, học vị, chức danh khoa học của người hỏi) và trả lời của nghiên cứu sinh cho từng câu hỏi.
Đề nghị về việc điều chỉnh tên đề tài hoặc đổi mã số nếu cần thiết.
Kết luận của Hội đồng (như đã nêu trên).

II. BẢO VỆ LUẬN ÁN CẤP NHÀ NƯỚC

Trong thời gian không quá ba tháng kể từ khi luận án được thông qua ở bộ môn, căn cứ vào kết quả đánh giá luận án và kết luận của Hội đồng, nghiên cứu sinh phải hoàn thành việc sửa chữa luận án và cơ sở đào tạo phải hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét việc bảo vệ luận án tiến sĩ cấp nhà nước cho nghiên cứu sinh.
2.1 Hồ sơ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo
Hồ sơ đề nghị cho nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ cấp nhà nước trình Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm có (và cần xếp theo thứ tự sau):
  1. Công văn đề nghị của cơ sở đào tạo (theo mẫu tại phụ lục 2), trong đó cần nêu rõ tính thiết thực của đề tài, những kết quả chính của luận án, mức độ tin cậy, giá trị khoa học và thực tiễn của những kết quả nghiên cứu của tác giả.
  2. Giới thiệu danh sách Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước (theo mẫu tại phục lục 3) với số lượng 15 thành viên là những người có trình độ chuyên môn cao và chuyên sâu theo hướng đề tài nghiên cứu của nghiên cứu sinh. Đối với người lần đầu tham gia Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước cần có lý lịch khoa học (xem phục lục 4 kèm theo).
  3. Biên bản buổi đánh giá luận án ở bộ môn có chữ ký của Chủ tịch hội đồng, Thư ký hội đồng và xác nhận của Thủ trưởng cơ sở đào tạo.
    Bản xác nhận các điểm đã bổ sung và sửa chữa, có chữ ký của nghiên cứu sinh, người hướng dẫn nghiên cứu sinh và Chủ tịch hội đồng đánh giá luận án ở bộ môn, nếu luận án có các điểm cần bổ sung, sửa chữa
  4. Hai bản nhận xét của những người giới thiệu luận án và các phiếu nhận xét (xem phụ lục 1) của các thành viên hội đồng.
  5. Danh sách gửi tóm tắt luận án có xác nhận của Thử tướng cơ sở đào tạo.
  6. Bản trích yếu luận án (xem phụ lục 5).
  7. Đơn xin bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh (xem phụ lục 6).
  8. Lý lịch khoa học của nghiên cứu sinh (xem phụ lục 7), có xác nhận của nơi cử đi học.
  9. Bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp đại học và bằng thạc sĩ (nếu có) trên giấy A4.
  10. Bảng điểm cao học và bảng điểm các chuyên đề tiến sĩ; hoặc bảng điểm nghiên cứu sinh; có chữ ký của Thủ trưởng cơ sở đào tạo. Nếu là bản sao thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
  11. Bản sao quyết định công nhận nghiên cứu sinh và những văn bản quyết định về những thay đổi trong quá trình đào tạo (nếu có).
  12. Hai bộ sao chụp những bài báo, công trình công bố liên quan đến đề tài luận án của nghiên cứu sinh; đã xóa tên nghiên cứu sinh trên các bài báo, công trình đó.
  13. Văn bản đồng ý của các đồng tác giả (nếu có công trình đồng tác giả).
  14. Hai bản luận án đóng bìa mềm, không có thông tin về tên nghiên cứu sinh, người hướng dẫn và cơ sở đào tạo trong cả bản luận án.
  15. Ba bản tóm tắt luận án, trong đó hai bản không có thông tin về tên nghiên cứu sinh, người hướng dẫn và cơ sở đào tạo.
Toàn bộ hồ sơ và phiếu nhận hồ sơ (xem phụ lục 15) đã điền đủ các mục để trong một túi đựng hồ sơ kích thước 28 cm x 34 cm (mẫu túi xem phụ lục 17). Túi hồ sơ gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vu Sau Đại Học) bằng bưu điện hoặc do cán bộ của phòng Sau đại học của cơ sở đào tạo mang nộp trực tiếp; không giao hồ sơ cho nghiên cứu sinh mang nộp Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thời gian xử lý hồ sơ và xin ý kiến phản biện độc lập không quá 8 tuần và không quá 16 tuần kể từ ngày Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được hồ sơ.
2.2 Phản biện độc lập
1. Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị thành lập Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước cho nghiên cứu sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ mời hai chuyên gia làm phản biện độc lập cho luận án. Ý kiến của phản biện độc lập có giá trị tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xem xét cho phép nghiên cứu sinh bảo vệ luận án cấp nhà nước.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo mật tên của phản biện độc lập. Thông qua luận án và bài báo của nghiên cứu sinh, phản biện độc lập có thể biết tác giả luận án và người hướng dẫn, nhưng phản biện độc lập không trao đổi trực tiếp với nghiên cứu sinh hoặc người hướng dẫn; không tiết lộ cho bất kì ai về nhiệm vụ phản biện độc lập của mình. Cơ sở đào tạo, nghiên cứu sinh và người hướng dẫn nghiên cứu sinh không được tìm hiểu về phản biện độc lập, không được tiếp xúc với phản biện độc lập.
3. Phản biện độc lập có nhiệm vụ đọc kỹ luận án, bài báo, công trình khoa học đã công bố của nghiên cứu sinh và có ý kiến đánh giá về giá trị khoa học, những đóng góp của luận án cho lĩnh vực khoa học chuyên ngành; những điểm đúng, sai của luận án; sự phù hợp của đề tài luận án với mã số chuyên ngành; sự không trùng lặp của đề tài, số liệu, kết quả nghiên cứu, kết luận của luận á; tính trung thực, rõ ràng trong trích dẫn; sự phản ánh kết quả luận án trong những công trình đã công bố; nhận định về chất lượng công trình và tạp chí đăng bài cho nghiên cứu sinh; những yêu cầu đòi hỏi nghiên cứu sinh phải bổ sung, hoàn chỉnh luận án. Để kết luận, phản biện độc lập cần cho ý kiến đồng ý hay chưa đồng ý để luận án được bảo vệ cấp nhà nước.
4. Khi luận án được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận cho bảo vệ, toàn văn bản nhận xét (không có tên) của phản biện độc lập sẽ được sao gửi về cơ sở đào tạo để nghiên cứu sinh nghiên cứu, tiếp thu sửa chữa hoặc bảo lưu quan điểm của mình, có văn bản giải trình và ý kiến của người hướng dẫn nộp cho cơ sở đào tạo. Trong thời gian không quá một tháng kể từ ngày nhận được nhận xét của phản biện độc lập, nghiên cứu sinh phải hoàn chỉnh luận án và cơ sở đào tạo gửi một bản luận án đóng bìa cứng, ba bản tóm tắt luận án và bản giải trình của nghiên cứu sinh về Bộ Giáo dục và Đào tạo để thành lập Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước
Trường hợp cả hai phản biện độc lập đánh giá luận án chưa đạt yêu cầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ mời thêm hai phản biện độc lập khác. Khi này cơ sở đào tạo sẽ được thông báo để nộp thêm hia bộ hồ sơ bao gồm luận án, tóm tắt luận án, bản sao chụp các công trình đã công bố đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nếu có thêm một phản biện độc lập nữa đánh giá luận án chưa đạt yêu cầu thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản yêu cầu cơ sở đào tạo cho nghiên cứu sinh bổ sung, sửa chữa luận án và tổ chức đánh giá lại luận án ở bộ môn. Thời gian bổ sung, sửa chữa, tổ chức đánh giá lại luận án ở bộ môn sớm nhất là 12 tháng và muộn nhất là 24 tháng kể từ khi có văn bản thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không tổ chức đánh giá luận án ở bộ môn lần thứ ba.
2.3  Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước
Điều 24 Quy chế quy định về Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước.
1. Chủ tịch hội đồng phải là người có cùng chuyên ngành với đề tài luận án; có kinh nghiệm trong đào tạo sau đại học và trong chỉ đạo, điều khiển các buổi bảo vệ luận án; chịu trách nhiệm về các hồ sơ liên quan đến việc bảo vệ luận án cấp nhà nước của nghiên cứu sinh.
2. Thư ký Hội đồng phải là người có cùng chuyên ngành với đề tài luận án và hiểu biết các thủ tục bảo vệ luận án, có nhiệm vụ kiểm tra và chịu trách nhiệm về các hồ sơ của nghiên cứu sinh (kể cả các bản nhận xét của các phản biện theo quy định ở mục 2.4 Hướng dẫn này).
3. Các phản biện phải là những người am hiểu sâu luận án, có uy tín chuyên môn cao trong lĩnh vực khoa học đó. Người phản biện phải có trách nhiệm cao trong đánh giá chất lượng khoa học của luận án.
Các phản biện không được là người trong cùng một cơ sở (bộ môn, phòng nghiên cứu, trạm, trại, nhà máy, xí nghiệp...), không là cấp duới trực tiếp của người bảo vệ luận án.
4. Các ủy viên hội đồng phải đọc và có bản nhận xét về luận án của nghiên cứu sinh. Để chuẩn bị cho buổi bảo vệ cấp nhà nước, tất cả các thành viên hội đồng phải chuẩn bị các câu hỏi để đánh giá luận án và trình độ của nghiên cứu sinh và sẽ nêu tại buổi bảo vệ.
5. Toàn bộ các công việc cần thiết để tổ chức họp Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước (như gửi luận án tới các thành viên Hội đồng; gởi tóm tắt luận án đến các cơ quan và cá nhân; tập hợp đầy đủ các hồ sơ cần thiết để xác định ngày bảo vệ và đăng báo; chuẩn bị hồ sơ cho phiên họp của Hội đồng; thanh toán tiền cho phản biện và thành viên hội đồng; hoàn thiện hồ sơ, biên bản bảo vệ, quyết nghị của Hội đồng v.v…) do nhân viên phòng Sau đại học của cơ sở đào tạo thực hiện.
Nghiêm cấm nghiên cứu sinh tham gia vào các công việc tổ chức họp Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước. Nghiên cứu sinh chỉ được gặp và trao đổi về chuyên môn với các phản biện trong Hội đồng sau khi các phản biện đã gửi bản nhận xét cho cơ sở đào tạo.
Nếu nghiên cứu sinh tham gia và quá trình tổ chức họp Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước; tìm hiểu, gặp gỡ hoặc trao đổi với phản biện độc lập; tìm gặp và trao đổi với phản biện trong Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước trước khi phản biện gửi bản nhận xét cho cơ sở đào tạo, thì tùy theo mức độ sai phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đình chỉ buổi bảo vệ luận án để xem xét lại việc cho phép nghiên cứu sinh bảo vệ luận án, hoặc tiến hành thẩm định luận án nếu sự việc được phát hiện sau khi luận án đã bảo vệ.
2.4 Bản nhận xét luận án của phản biện
1. Phần mở đầu bản nhận xét cần nêu đầy đủ các thông tin về tên đề tài, chuyên ngành và mã số, họ tên tác giả luận án; trách nhiệm trong Hội đồng của người viết nhận xét; học vị, chức danh khoa học, họ tên, đơn vị công tác của phản biện (xem phụ lục 8).
Nội dung của bản nhận xét phải nêu ý kiến đánh giá về các vấn đề sau:
Tính cần thiết, thời sự, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài luận án.
Sự không trùng lặp của đề tài nghiên cứu so với các công trình, luận văn, luận án đã công bố ở trong và ngoài nước; tính trung thực, rõ ràng và đầy đủ trong trích dẫn tài liệu tham khảo.
Sự phù hợp giữa tên đề tài với nội dung, giữa nội dung với chuyên ngành và mã số chuyên ngành.
Độ tin cậy và tính hiện đại của phương pháp đã sử dụng để nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu mới của tác giả; đóng góp mới phụ vục cho sản xuất, kinh tế, quốc phòng, xã hội và đời sống. Ý nghĩa khoa học, giá trị và độ tin cậy của những kết quả đó.
Ưu điểm và nhược điểm về nội dung, kết cấu và hình thức của luận án.
Nội dung luận án đã được công bố trên tạp chí, kỷ yếu hội nghị khoa học nào và giá trị khoa học của các công trình đã công bố.
Kết luận chung cần khẳng định mức độ đáp ứng các yêu cầu đối với một luận án tiến sĩ quy định tại Điều 20 Quy chế; bản tóm tắt luận án phản ảnh trung thành nội dung cơ bản của luận án hay không; luận án có thể đưa ra bảo vệ để nhận học vị tiến sĩ được hay không.
Nhận xét của phản biện không cần nêu lại kết cấu và nội dung các chương của luận án, không trình bày theo thứ tự chương mục của luận án mà cần trình bày theo các vấn đề hay kết quả mới mà luận án đạt được.
2. Khi gửi công văn xin ý kiến của các phản biện, cơ sở đào tạo cần gửi kèm theo hướng dẫn và yêu cầu đối với bản nhận xét nêu trong khoản 1 mục 2.4 Hướng dẫn này.
3. Bản nhận xét luận án của các phản biện phải gửûi cho Chủ tịch hội đồng ít nhất 15 ngày trước ngày họp Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước. Chủ tịch hội đồng có trách nhiệm chuyển bản sao các bản nhận xét cho nghiên cứu sinh ít nhất 10 ngày trước ngày họp Hội đồng để nghiên cứu sinh nghiên cứu chuẩn bị.
4. Những bản nhận xét của phản biện không đạt yêu cầu qui định tại khoản 1 mục 2.4 Hướng dẫn này thì Chủ tịch hội đồng đề nghị phản biện viết lại nhận xét.
2.5 Những điều kiện để tiến hành bảo vệ luận án cấp nhà nước
1. Sau khi có quyết định thành lập Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước, nghiên cứu sinh đóng quyển luận án, in tóm tắt luận án có ghi đầy đủ họ tên, học vị, nơi công tác của những người phản biện vào bìa 2 tóm tắt luận án và nộp cho cơ sở đào tạo. Phòng Sau đại học của cơ sở đào tạo có trách nhiệm gửi luận án và tóm tắt luận án tới các phản biện và các thành viên hội đồng, gửi tóm tắt luận án theo danh sách đã được Hội đồng đánh giá luận án ở bộ môn thông qua trước ngày bảo vệ ít nhất 30 ngày để lấy ý kiến nhận xét.
Sau khi xem xét, xác định đủ các điều kiện để nghiên cứu sinh được bảo vệ, Chủ tịch hội đồng thống nhất thời gian của buổi bảo vệ với các thành viên trong Hội đồng. Chủ tịch hội đồng đề nghị cơ sở đào tạo đăng tin về: đề tài luận án, chuyên ngành, mã số, họ tên nghiên cứu sinh, thời gian và địa điểm bảo vệ trên báo hàng ngày của Trung ương hoặc địa phương trước ngày bảo vệ ít nhất 10 ngày. Đồng thời, bản tin này cũng phải được niêm yết công khai tại cơ sở đào tạo và thông báo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biết.
2. Điều kiện để được đăng báo về buổi bảo vệ luận án cấp nhà nước:
Có đủ ba bản nhận xét của ba phản biện và các bản nhận xét của các thành viên hội đồng.
Có ít nhất 10 bản nhận xét tóm tắt luận án của những nhà khoa học có học vị tiến sĩ trở lên hoặc có chức danh khoa học từ các cơ quan khác nhau gửi đến cơ sở đào tạo.
Trường hợp có đơn khiếu nại về luận án hoặc về tác giả luận án trước khi đăng báo ngày bảo vệ thì cơ sở đào tạo cần phối hợp với các cơ quan liên quan để xác minh và có kết luận đầy đủ về những vấn đề nêu trong đơn. Căn cứ văn bản kết luận này để quyết định việc bảo vệ của nghiên cứu sinh trước Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước.
Các khiếu nại tố cáo sau ngày đăng báo và sau khi bảo vệ thực hiện theo Điều 28 Quy chế và mục 3.4 Hướng dẫn này.
3.  Hồ sơ chuẩn bị cho buổi bảo vệ
Để tiến hành bảo vệ luận án cấp nhà nước, thư ký hội đồng cần chuẩn bị đầy đủ các văn bản sau:
a.  Các loại hồ sơ của nghiên cứu sinh như quy định tại khoản 7 đến khoản 14 mục 2.1, mỗi loại một bản, trong đó luận án và tóm tắt luận án là bản chính thức đã điền đầy đủ thông tin tên nghiên cứu sinh, người hướng dẫn, cơ sở đào tạo; tên các phản biện và ngày bảo vệ trên bìa 2 tóm tắt luận án.
b.  Bản tổng hợp các nhận xét luận án của các thành viên (không là phản biện) của Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước và các nhận xét tóm tắt luận án của các cơ quan và các nhà khoa học gửi đến Hội đồng.
c.  Mẫu biên bản kiểm phiếu (phụ lục 9) và các phiếu đánh giá đã điền đầy đủ các chỗ trống.
d.  Dự thảo quyết nghị của Hội đồng theo yêu cầu nêu tại khoản 4 mục 2.6 Hướng dẫn này.
2.6 Trình tự buổi bảo vệ luận án cấp nhà nước
1. Buổi bảo vệ luận án cấp nhà nước được tiến hành theo trình tự sau đây:
Đại diện cơ sở đào tạo tuyên bố lý do, đọc quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đề nghị Chủ tịch Hội đồng điều khiển phiên họp.
Chủ tịch Hội đồng công bố danh sách thành viên có mặt, các điều kiện chuẩn bị cho buổi bảo vệ (theo mục 2.5) và công bố chương trình làm việc.
Thư ký Hội đồng đọc lý lịch khoa học của nghiên cứu sinh và các điều kiện cần thiết để nghiên cứu sinh được bảo vệ luận án (theo Điều 14 Quy chế).
Các thành viên hội đồng và những người tham dự nêu câu hỏi hoặc ý kiến thắc mắc (nếu có) về lý lịch khoa học và quá trình đào tạo của nghiên cứu sinh.
Nghiên cứu sinh trình bày nội dung luận án trong thời gian không quá 30 phút. Không được đọc bản tóm tắt luận án hoặc văn bản chuẩn bị trước.
Các phản biện đọc nhận xét.
Thư ký hội đồng đọc bản tổng hợp các nhận xét khác.
Hội đồng và những người tham dự nêu câu hỏi để kiểm tra kiến thức và trình độ nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh.
Tác giả luận án trả lời các câu hỏi nêu ra.
Đại diện tập thể hướng dẫn phát biểu ý kiến bằng văn bản (như hướng dẫn tại khoản 2 mục 1.1 Hướng dẫn này).
Hội đồng họp riêng để bầu ban kiểm phiếu, bỏ phiếu kín và thảo luận thông qua quyết nghị của Hội đồng.
Trưởng ban kiểm phiếu công bố kết quả đánh giá luận án.
Chủ tịch hội đồng đọc quyết nghị của Hội đồng.
Các đại biểu và nghiên cứu sinh phát biểu ý kiến.
Chủ tịch hội đồng tuyên bố kết thúc buổi bảo vệ.
Trường hợp cần thiết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đại diện tham dự cuộc họp của Hội đồng chấm luận án.
2. Ban kiểm phiếu gồm ba người (một trưởng ban và hai ủy viên). Chủ tịch Hội đồng không tham gia ban kiểm phiếu.
3. Sau khi đánh giá tán thành luận án, người bỏ phiếu có thể xem xét đánh giá luận án đạt loại xuất sắc hay không. Luận án đuợc đánh giá xuất sắc nếu:
a)  Luận án có giá trị cao về khoa học, có đóng góp đáng kể trong việc bổ sung, phát triển và làm phong phú thêm kiến thức lý thuyết của khoa học chuyên ngành, được thể hiện qua các bài báo đã công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín về chất lượng khoa học ở trong và ngoài nước, hoặc
b)  Luận án có giá trị khoa học và thực tiễn, kết quả của luận án đã được ứng dụng trên diện rộng và được đánh giá cao.
4. Quyết nghị của Hội đồng phải nêu được các vấn đề theo trình tự sau:
Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án.
Tính hợp lý, hiện đại và độ tin cậy của phương pháp nghiên cứu mà tác giả đã sử dụng.
Các kết quả mới của luận án. Giá trị sự đóng góp của các kết quả này trong lĩnh vực khoa học chuyên ngành về mặt lý thuyết và ứng dụng.
Những thiếu sót về nội dung và hình thức của luận án.
Căn cứ kết quả bỏ phiếu, Hội đồng đề nghị công nhận hoặc không công nhận học vị tiến sĩ theo ngành nghiên cứu của nghiên cứu sinh (danh mục ngành khoa học của học vị xem phụ lục 16 Hướng dẫn này).
Nếu 100% thành viên hội đồng có mặt bỏ phiếu tán thành và xếp loại xuất sắc thì quyết định của Hội đồng cần nêu rõ lý do luận án đạt xuất sắc, kiến nghị cơ sở đào tạo, cơ quan sử dụng kết quả nghiên cứu hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng nghiên cứu sinh. Thủ tục xét khen thưởng thực hiện theo Nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30/07/1998 của Chính phủ về công tác thi đua khen thưởng và các hướng dẫn kèm theo Nghị định.
2.7  Bảo vệ lại luận án
Việc bảo vệ lại luận án được quy định tại khoản 4 Điều 26 Quy chế. Ngoài các hồ sơ cần thiết trình Bộ Giáo dục và Đào tạo như lần bảo vệ thứ nhất, cơ sở đào tạo cần có văn bản tường trình về quá trình bổ sung, sửa chữa, hoàn thiện luận án và đề nghị cho tác giả luận án được bảo vệ lần thứ hai.
2.8 Bảo vệ luận án theo chế độ mật
Luận án là công trình khoa học thuộc bí mật quốc gia được tổ chức bảo vệ theo chế độ mật. Việc xem xét cho phép bảo vệ luận án theo chế độ mật được tiến hành trước khi đánh giá luận án ở bộ môn. Thủ trưởng cơ sở đào tạo cần có văn bản trình bày những lý do cần tổ chức bảo vệ mật để Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định. Hồ sơ đề nghị cho phép luận án được bảo vệ mật gồm có:
Công văn giải trình của cơ sở đào tạo.
Công văn đề nghị của lãnh đạo Bộ chủ quản hoặc Bộ sẽ sử dụng kết quả nghiên cứu của luận án.
Dự kiến danh sách Hội đồng đánh giá luận án ở bộ môn và cấp nhà nước; danh sách các cán bộ tham dự ngoài Hội đồng; danh sách những nơi và những người được gửi luận án và tóm tắt luận án. Danh sách này phải được các cơ quan có liên quan đến việc bảo mật đề nghị và xác định.
Sau khi có văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép luận án được bảo vệ mật, cơ sở đào tạo thông báo cho nghiên cứu sinh và người hướng dẫn biết. Số lượng bản thảo luận án và tóm tắt luận án cũng như các bản chính thức phải được xác định và phải đóng dấu mật.
Chỉ gửi luận án và tóm tắt luận án cho những nơi và những người trong danh sách đã được ấn định. Tất cả hồ sơ buổi bảo vệ mật phải được quản lý chặt chẽ theo quy chế bảo mật của nhà nước.
Trình tự bảo vệ cũng tiến hành như bảo vệ công khai. Thời gian và địa điểm bảo vệ chỉ những người có trách nhiệm và những người được phép tham dự biết.
Ngoài các quy định trên đây, người bảo vệ luận án theo chế độ mật vẫn phải thực hiện các quy định chung đối với nghiên cứu sinh.
2.9 Xử lý những trường hợp nộp hồ sơ sau thời hạn quy định
Nếu quá thời hạn ba tháng sau khi được Hội đồng đánh giá luận án ở bộ môn thông qua hoặc một tháng sau phản biện độc lập, cơ sở đào tạo mới nộp hồ sơ đến Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Hội đồng đánh giá luận án ở bộ môn sẽ phải họp lại để xem xét ý nghĩa khoa học, tính thời sự của đề tài luận án. Căn cứ biên bản họp lại Hội đồng, Thủ trưởng cơ sở đào tạo có công văn giải trình về việc chậm trễ và đề nghị cho nghiên cứu sinh được bảo vệ luận án.

III. CẤP BẰNG TIẾN SĨ

 3.1  Nộp luận án cho Thư viện Quốc gia
Sau khi bảo vệ thành công, nghiên cứu sinh phải nộp cho Thư viện Quốc gia một luận án và một tóm tắt luận án. Quyển luận án nộp cho Thư viện Quốc gia bao gồm bản luận án (giống như bản đã nộp Bộ Giáo dục và Đào tạo) và các tài liệu sau được đóng bổ sung vào phần cuối:
Danh sách Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước.
Ba bản nhận xét của phản biện.
Quyết nghị của Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước.
Nghiên cứu sinh thuộc cơ sở đào tạo từ Bình Định trở vào có thể nộp luận án cho Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
 3.2 Hồ sơ đề nghị cấp bằng tiến sĩ
Sau ngày bảo vệ luận án cấp nhà nước chậm nhất hai tuần, cơ sở đào tạo phải hoàn chỉnh hồ sơ nộp Bộ Giáo dục và Đào tạo xét cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh. Hồ sơ đề nghị cấp bằng tiến sĩ gồm có:
1. Biên bản buổi bảo vệ luận án cấp nhà nước. Trong biên bản cần ghi đầy đủ diễn biến của buổi bảo vệ; thành phần tham dự; các câu hỏi của thành viên Hội đồng và khách mời (ghi rõ họ tên, học vị, chức danh khoa học của người hỏi); trả lời của nghiên cứu sinh cho từng câu hỏi; quyết nghị của Hội đồng. Biên bản phải có chữ ký của thư ký và chủ tịch hội đồng.
2. Các bản nhận xét của phản biện, của các thành viên khác của Hội đồng, của các cơ quan và các nhà khoa học gửi tới Hội đồng.
3. Bản tổng hợp các ý kiến nhận xét của các thành viên khác của Hội đồng, các cơ quan và các nhà khoa học; có chữ ký của thư ký hội đồng.
4. Biên bản kiểm phiếu (theo mẫu tại phụ lục 9) và các phiếu đánh giá, kể cả phiếu không dùng do có thành viên hội đồng vắng mặt.
5. Bản nhận xét của tập thể hướng dẫn nghiên cứu sinh.
6. Danh sách Hội đồng có chữ ký của các thành viên tham dự buổi bảo vệ.
7. Giấy biên nhận luận án và tóm tắt luận án của Thư viện Quốc gia.
8. Tờ báo đăng tin hay bản sao chụp bản tin đăng báo ngày bảo vệ.
Các văn bản 1, 3, 4, 5 phải có xác nhận của cơ sở đào tạo.
Toàn bộ hồ sơ để trong một túi đựng hồ sơ kích thước 24 x 34cm (mẫu túi xem phụ lục 18), gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Sau Đại học) bằng bưu điện hoặc do cán bộ của phòng Sau Đại học của cơ sở đào tạo mang nộp trực tiếp.
3.3  Thẩm định và cấp bằng tiến sĩ
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm tra kết quả bảo vệ luận án. Việc thẩm định chất lượng luận án được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
Thẩm định xác suất một số luận án.
Khi xem xét khen thưởng luận án đạt xuất sắc.
Khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo về luận án, về nghiên cứu sinh, về thủ tục bảo vệ hoặc về hoạt động của Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước.
Hội đồng thẩm định chất lượng luận án do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập nhằm xem xét một lần nữa chất lượng luận án, quá trình đào tạo, quá trình hoạt động của Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước trước khi quyết định cấp bằng tiến sĩ hoặc khen thưởng cho tác giả luận án.
2. Khi được thông báo về việc thẩm định luận án, cơ sở đào tạo phải nộp bổ sung cho Bộ Giáo dục và Đào tạo ba bộ tài liệu bao gồm luận án, tóm tắt luận án, sao chụp các bài cáo công bố kết quả nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án của nghiên cứu sinh.
Căn cứ vào kết quả của Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định việc cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh hoặc khen thưởng đối với luận án xuất sắc.
3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án. Việc công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ được tiến hành sau ba tháng kể từ khi cơ sở đào tạo nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp bằng và vào tháng đầu các quý trong năm.
Trường hợp luận án cần phải thẩm định thì việc công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ được tiến hành ít nhất sau hai tuần kể từ khi có kết luận của Hội đồng thẩm định.
3.4  Khiếu nại
Mọi khiếu nại, tố cáo về luận án, về quá trình đào tạo, về đạo đức khoa học của người bảo vệ luận án cũng như về việc bảo vệ luận án, hoạt động của Hội đồng chấm luận án, quyết nghị của Hội đồng chấm luận án đều được tiếp nhận, xem xét và giải quyết theo Luật khiếu nại, tố cáo.
Đơn khiếu nại, tố cáo gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ liên hệ của người viết đơn để tiện liên hệ và trả lời.

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Vụ trưởng Vụ sau đại học
Phạm Sỹ Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét