Tri thức là sức mạnh!

Chúc các Anh/Chị thành công!


Phạm Phúc Vĩnh

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Ứng xử với đạo văn trong học thuật: vấn đề văn hóa khoa học

 Bài này đã đăng trên Tia Sáng, như là một bình luận sự kiện ông Bộ trưởng Quốc phòng của Đức phải từ bỏ danh xưng “tiến sĩ” sau khi thú nhận đã đạo văn trong luận án tiến sĩ của ông. Bài này lấy ý kiến của bài trước (hơi "salami" một chút :-)), nhưng có so sánh với những trường hợp đạo văn gần đây cũng dính dáng đến quan chức cao cấp. Theo tôi, cách ứng xử với đạo văn cũng là một đặc tính của văn hóa khoa học. Trong một bài giảng sắp tới ở VN (chắc tháng 7) tôi sẽ nói về cách làm sao paraphrase tốt để không mang tội đạo văn.
Dư luận quốc tế xôn xao về một quyết định chính trị xuất phát từ một vấn đề học thuật. Ông zu Guttenberg, một “ngôi sao” đang lên trong chính trường Đức, quyết định từ chức Bộ trưởng Quốc phòng sau khi có người chỉ ra rằng ông đã đạo văn trong luận án tiến sĩ luật. Ông zu Guttenberg từng theo học chính trị học và luật tại Đại học Bayreuth. Năm 2007 ông bảo vệ luận án tiến sĩ luật, và hội đồng khoa bảng của Trường Đại học Bayreuth “cho điểm” luận án hạng summa cum laude (giống như hạng tối danh dự). Nhưng mới tháng qua, một giáo sư người Đức phát hiện nhiều dữ liệu trong luận án không phải của ông, mà chỉ lấy từ nguồn khác (kể cả báo chí) nhưng không đề nguồn.  Ngay sau đó, cư dân mạng làm một dự án “nghiên cứu” luận án của ông, bằng cách so sánh trực tuyến. Qua dự án này, cư dân mạng phát hiện thấy trong luận án 475 trang, có đến 300 trang là đạo văn hay có dấu hiệu đạo văn. Thật khó tưởng tượng nổi qui mô đạo văn lớn như thế mà hội đồng khoa bảng không phát hiện!
Trước những bằng chứng cho thấy rõ ràng ông có đạo văn, trường Đại học Bayreuth quyết định rút lại văn bằng tiến sĩ. Người hướng dẫn luận án của ông zu Guttenberg là Giáo sư Peter Häberle (nay đã nghỉ hưu), thoạt đầu khi nghe tin đạo văn, ông bác bỏ. Ông thậm chí nghĩ là do một giáo sư đồng nghiệp “ganh tị”. Nhưng sau khi xem qua so sánh trực tuyến của cư dân mạng, ông cũng phải thú nhận là có đạo văn, và ông còn nói thêm qui mô đạo văn nằm ngoài sự tưởng tượng của ông và sai sót đó không thể chấp nhận được. Trường đại học Bayreuth và Giáo sư Häberle bị giới khoa bảng Đức phê bình nặng nề. Tại sao một đại học có uy tín như thế và một giáo sư lâu năm như thế lại không phát hiện đạo văn trong luận án? Điều này chứng tỏ rằng hệ thống kiểm tra của trường đại học không có hiệu quả.
Hàng ngàn giáo sư trên khắp nước Đức kí tên kêu gọi thủ tướng Đức phải “trừng phạt” ông zu Guttenberg. Họ lí giải rằng một người mang danh xưng “tiến sĩ” làm chức Bộ trưởng Quốc phòng mà đạo văn thì đó là một vết nhơ của nền học thuật Đức, và ông zu Guttenberg sẽ không còn uy tín để điều hành quốc sự được. Mặc dù được sự ủng hộ mạnh mẽ và tín nhiệm của thủ tướng Angela Merkel, nhưng trước áp lực của công chúng và giới khoa bảng Đức, ông zu Guttenberg thú nhận có đạo văn, vì ông nói là do bận việc quá nên đã sơ suất trong việc không ghi nguồn dữ liệu. Ông tự trừng phạt mình bằng cách từ chức Bộ trưởng Quốc phòng và dĩ nhiên là không dùng danh xưng “tiến sĩ”. Ông cũng xin lỗi mọi người về những “sai sót” không thể tha thứ đó.
Có thể nói rằng quyết định từ chức của ông zu Guttenberg lại là một dấu hiệu tích cực cho học thuật. Liêm chính trong học thuật là nền tảng của khoa học. Liêm chính ở đây bao gồm thành thật tri thức, hành động theo văn hóa khoa học, kể cả ghi nhận đóng góp của người đi trước. Đạo văn hay dùng dữ liệu và ý tưởng của người khác mà không ghi nguồn là một vi phạm học thuật nghiêm trọng. Nếu những người quyền cao chức trọng như ông zu Guttenberg bị phát hiện đạo văn mà vẫn còn tại chức thì đó quả là một sự sỉ nhục cho nền học thuật Đức và quốc tế.  Do đó, quyết định của ông cựu bộ trưởng là một cách trả lại sự liêm chính cho khoa học, và hành vi đó tự nó làm sạch nền học thuật của Đức.
Ai phải chịu trách nhiệm cho sự việc? Theo tôi, cao nhất là trường đại học phải chịu trách nhiệm. Bởi vì cơ chế đại học (như hội đồng khoa bảng) đã không làm việc tốt, để cho một luận án có quá nhiều sai sót như thế “lọt lưới”.  Điều khá khôi hài ở đây là một luận án như thế lại được đánh giá vào hạng “tối ưu”!  Giáo sư hướng dẫn cũng phải chịu trách nhiệm trực tiếp, bởi vì ông đã không đọc kĩ và phát hiện đạo văn. Nếu là người trong ngành, đáng lẽ ông phải phát hiện những chỗ “mượn” dữ liệu của người khác, chứ không thể nào nói rằng không thể kiểm tra tất cả. Kế đến là những chuyên gia bình duyệt luận án cũng phải nhận lãnh trách nhiệm. Thật ra, chính những người này còn đáng trách hơn cả ứng viên và giáo sư hướng dẫn, bởi vì một trong những chức năng của họ là kiểm tra sự chính xác của luận án. Rõ ràng là họ đã tắc trách. Người sau cùng chịu trách nhiệm, dĩ nhiên, là ông zu Guttenberg. Đã học đại học, mà lại đại học Đức, và nhất là học tiến sĩ thì chắc chắn ông phải biết đạo văn là một trọng tội. Có thể vì bận rộn ông lơ là trong việc trích dẫn, nhưng lí do đó không thể biện minh được sai sót quá lớn đó.
Cách giới học thuật và hệ thống chính trị Đức ứng xử với nạn đạo văn thể hiện văn hóa khoa học ở Đức. Khoảng 2 năm trước đây, ông Kamran Daneshjou, Bộ trưởng Khoa học và cũng là một “ngôi sao” trong chính trường Iran, cũng bị giới khoa học phát hiện đạo văn trong một bài báo khoa học.  Giới báo chí còn nghi ngờ văn bằng tiến sĩ của ông không phải từ trường danh tiếng Imperial College ở London.  Nhưng ông Kamran Daneshjou vẫn tại chức. Tổng thống Iran còn tố cáo ngược lại rằng giới khoa học và báo chí phương Tây vì ghét Iran nên mới làm khó ông bộ trưởng!

Kamran Daneshjou faces plagiarism questions.Ông Kamran Daneshjou

Nhưng không phải nước nào cũng hành xử như Iran. Năm ngoái, một “ngôi sao” khoa bảng đang lên của  Indonesia cũng bị dính dáng vào một vụ đạo văn, và ông tự quyết định từ chức. Giáo sư Anak Agung Banyu Perwita là một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại đại học công giáo Parahyangan Catholic University ở bang Bandung, Nam Dương. Ông viết một bài báo có tựa đề là “RI as a new middle power” (có lẽ dịch là “Nam Dương như là một cường quốc trung bình”) đăng trên tờ Jakarta Post ngày 12/11/2009. Bài báo này lấy ý tưởng và một số từ ngữ từ bài báo của Tiến sĩ Ungerer có tựa đề là "The ‘Middle Power' Concept in Australian Foreign Policy" đăng trên tập san Australian Journal of Politics and History năm 2007. Khi được chỉ ra đó là đạo văn, ông Anak Agung Banyu Perwita thú nhận đó là một “stupid mistake” (sai sót ngu xuẫn) và quyết định từ chức giáo sư.
So sánh 3 trường hợp đạo văn trên cho thấy ở Đức và ngay cả một nước kém phát triển hơn là Indonesia, người ta xử lí đạo văn một cách nghiêm chỉnh. Chẳng những nghiêm chỉnh mà còn làm nhanh. Trong khi đó, ở Iran, một quốc gia có truyền thống khoa học lâu đời, lại ứng xử với nạn đạo văn một cách rất vô văn hóa khoa học. Truyền thống khoa học lâu đời không đồng nghĩa với cách ứng xử có văn hóa khoa học.
Cách xứ lí vấn đề đạo văn ở Đức qua vụ ông zu Guttenberg còn cung cấp cho Việt Nam một kinh nghiệm tốt trong việc đào tạo và quản lí nghiên cứu sinh tiến sĩ đối với Việt Nam. Trước hết, hội đồng khoa bảng duyệt luận án phải bao gồm những chuyên gia có kinh nghiệm chuyên môn. Thứ hai là giáo sư hướng dẫn phải tỏ ra có trách nhiệm. Không thể nhận nghiên cứu sinh vào và để cho họ “tự bơi”, vì làm như thế là vô trách nhiệm và vi phạm qui định khoa học. Thứ ba là luận án tiến sĩ cần phải công bố trên mạng để mọi người có thể xem (nếu cần). Chính qua công bố như thế mà người ta mới phát hiện vấn đề trong luận án của Guttenberg.
Đạo văn xảy ra ở bất cứ nước nào, và chắc chắn ở Việt Nam cũng có nhiều trường hợp đạo văn. Mấy năm gần đây, báo chí liên tiếp nêu lên nhiều vụ đạo văn, đạo sách, đạo dịch liên quan đến các giáo sư, tiến sĩ, quan chức cao cấp. Nhưng dường ở những sự việc như thế cứ lần lượt đi vào quên lãng theo thời gian. Điều này sẽ làm suy giảm niềm tin vào nền học thuật và khoa học Việt Nam. Chúng ta hay tự hào là một nước có nền văn hiến lâu đời và trọng học thuật (có trường đại học 1000 tuổi), nhưng cách ứng xử với nạn đạo văn thì quá thấp so với những gì chúng ta tự hào.
TB. Một bạn đọc bên Đức (NMT) phản hồi như sau:
"[...] Em đã xem trực tiếp những phiên họp ở Bundestag điều trần về vụ việc này, xem thái độ của Zu Guttenberg cũng như những phản ứng khác nhau của công luận và thấy rằng để nhận định Zu Guttenberg là "một quân tử" có lẽ còn quá "vội vàng" ạ (tất nhiên em hiểu thầy chỉ muốn nói ở góc độ sai mà nhận là mình sai là quân tử!), nhưng vấn đề là có phải ông zu Guttenberg tự nhận không hay do một thế lực đối lập, hoặc do bối cảnh chính trị buộc ông phải làm vậy, không thể làm khác được?"
Đồng ý!
Nguồn: http://nguyenvantuan.net/education/3-edu/1210-ung-xu-voi-dao-van-trong-hoc-thuat-van-de-van-hoa-khoa-hoc


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét