Tri thức là sức mạnh!

Chúc các Anh/Chị thành công!


Phạm Phúc Vĩnh

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Bài mình tên người


Ông Trần Minh Tạo ở thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) vừa có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ việc “bản thảo bài viết của ông xuất hiện trên một tạp chí của tỉnh, nhưng dưới tên của một người khác là Lê Xuân Thành - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp”.
Theo trình bày của ông Tạo, tháng 4-2012, tạp chí Nghiên Cứu Khoa Học (Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp) có đăng bài “Điều gì xảy ra ở Hồng Ngự trước ngày 30-4-1975?”, viết về một trận chiến đấu vũ trang của đại đội địa phương quân Hồng Ngự thời chống Mỹ, ký tên tác giả là Lê Xuân Thành. Điều bất ngờ là ông phát hiện bài viết - trừ phần mở đầu và kết thúc - gần như từ đầu tới cuối đều nằm ở phần cốt lõi trong bài ký sự do ông viết cách đây khoảng hai năm, có tựa “Trận cuối cùng đánh địch tại Mương Lớn - An Bình”. Bài viết của ông hiện còn ở dạng bản thảo, chưa ấn hành phổ biến lần nào.
Theo ông Tạo, bài viết của ông là một trong 14 bài trong tập tài liệu ông viết về “14 trận đánh điển hình của địa phương quân huyện Hồng Ngự (viết tắt là C211) thời chống Mỹ”, theo yêu cầu của ông Chín Nguyễn - nguyên chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Đồng Tháp. Ông đã mất năm tháng trời đi thực tế, về lại chiến trường xưa, tra tìm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng để viết, hoàn thành vào tháng 6-2010 và gửi bản thảo lại cho ông Chín Nguyễn. Ông cũng có nhận số tiền 7 triệu đồng của ông Chín Nguyễn, gọi là “ứng tiền đi thu thập tài liệu”.
Sau khi nhận được đơn kiến nghị của ông Tạo, ngày 21-5-2012, ông Lê Xuân Thành đã có thư ngỏ giải trình về nguồn gốc tài liệu: “Đồng chí Chín Nguyễn thấy bản thảo do ông Trần Minh Tạo chấp bút không đạt yêu cầu như mong muốn, nên đã chấm dứt hợp đồng bằng việc chi trả cho ông một khoản tiền là 7 triệu đồng và giữ lại sản phẩm (bản thảo)”. Sau đó, ông Thành cho biết: “Ban liên lạc cựu chiến binh C211 giao cho ban biên soạn (ông Trần Đức Hiển và ông Thành - PV) bản tổng hợp tư liệu 14 trận đánh tiêu biểu của C211, có ghi tên Trần Minh Tạo ở trang cuối để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu...”.
Theo ông Lê Xuân Thành, từ các tài liệu mới, ban biên soạn đã bổ sung các trận đánh tiêu biểu, bước đầu hình thành bản thảo gồm 33 sự kiện, trong đó có 14 trận đánh kể trên được chắt lọc lại. Về bài báo đăng trên tạp chí nói trên, ông Thành giải thích rằng ông trích ra từ biên niên sử C211 vừa được hội thảo nghiệm thu. “Phần thiếu sót của tôi là ở cuối bài, sau khi trích dẫn tài liệu tham khảo, thiếu “theo tư liệu của Trần Minh Tạo”. Tôi xin nhận khuyết điểm và rút kinh nghiệm. Xin được thứ lỗi” - ông Thành viết.
Tuy nhiên, ông Trần Minh Tạo cho rằng cách giải thích như trên là chưa thuyết phục. Ngoài ra, qua thư giải trình của ông Lê Xuân Thành, ông Tạo còn phát hiện cả 14 bài của ông đã được sử dụng để thực hiện cuốn Biên niên sử C211 Hồng Ngự mà không hề đả động gì đến quyền tác giả của ông.
Chiều 29-5, trao đổi với PV Tuổi Trẻ về vấn đề tác quyền của ông Trần Minh Tạo đối với cuốn biên niên sử nói trên, ông Lê Xuân Thành bộc bạch: “Chúng tôi vẫn nhớ ơn người đi trước là anh Trần Minh Tạo đã viết nên tập tài liệu. Hiện nay cuốn biên niên sử đang trong giai đoạn góp ý để hoàn chỉnh. Khi chính thức phát hành sẽ bổ sung tên anh Tạo vào tổ biên tập, coi anh như là đồng tác giả”.
DƯƠNG THẾ HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét