Tri thức là sức mạnh!

Chúc các Anh/Chị thành công!


Phạm Phúc Vĩnh

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Cách trả lời bình duyệt (response to peer review)




http://sciencemediawatch.files.wordpress.com/2011/02/poor-review-and-peer-review.jpgTiếp theo loạt bài chỉ dẫn về cách viết bài báo khoa học, kì này tôi sẽ nói về cách thức trả lời bình duyệt của các chuyên gia. Trả lời bình duyệt của các chuyên gia cũng là một kĩ năng quan trọng của một nghiên cứu sinh và nhà khoa học, vì số phận bài báo có khi tuỳ thuộc vào cách trả lời.

Bình duyệt của đồng nghiệp (peer review) là bước thứ hai trong qui trình xuất bản bài báo khoa học. Bước thứ nhất là nộp bài, và nếu bài báo có triển vọng thì sẽ được ban biên tập gửi cho 2-3 chuyên gia trong ngành bình duyệt. Bước thứ hai, sau khi nhận được bình duyệt, tác giả (hay nhóm tác giả) có nhiệm vụ phải trả lời những bình luận, những phê bình, hay đề nghị của các chuyên gia. Nếu tác giả trả lời đạt, thì ban biên tập có thể quyết định chấp nhận bài báo; nếu trả lời chưa đạt thì bài báo có thể gửi trả lại (tức là bác bỏ). Do đó, bước này (trả lời bình duyệt) rất quan trọng, không thể xem thường được.
Đối với những người mới bước vào “nghiệp” nghiên cứu sinh, việc bị các chuyên gia phê bình là một kinh nghiệm không mấy tốt. Có lần một nghiên cứu sinh của tôi nhận được bình duyệt từ 3 chuyên gia, và đọc xong cô ấy … khóc ròng. Cô ấy cầm bản báo cáo của 3 chuyên gia cho tôi xem, và hỏi phải làm gì bây giờ. Trước nước mắt thú thật tôi cũng lúng túng chưa biết phản ứng ra sao, và chỉ khuyên bình tĩnh, cứ bỏ đó một bên, và tìm cái gì đó để khuây khoả đôi ba ngày, rồi sẽ ngồi xuống và tìm cách đối phó. Nhưng khi đọc xong các bình luận và phê bình, tôi thấy ngoài vài chỗ phê phán một cách thiếu công bằng, phần còn lại cũng không quá khắc khe. Bài học đối với những người mới vào nghiên cứu là lúc nào cũng bình thản trước những phê phán và đối phó một cách đúng đắn, không nên để cho cảm tính chi phối.
http://genomicenterprise.com/blog/wp-content/uploads/2010/09/Peer-Review-Cartoon2.jpg
Peer review (bình duyệt bởi đồng nghiệp) là một qui trình không thể thiếu trong khoa học. Từ khi bản thảo được gửi đi đến khi được chấp nhận là một hành trình gian nan. Bức tranh hoạt hoạ này cho thấy tác giả (người mặc áo trắng đang cầm bản thảo), phải qua nhiều chuyên gia bình duyệt và những người này có nhiệm vụ giống như "đao phủ", chỉ khi nào tác giả qua được tất cả đao phủ này và  người mặc áo thụng đen cầm cái lưỡi hái to (tổng biên tập) thì bài báo mới được chấp nhận, và ... ăn mừng.
Một điểm cần ghi nhớ khi trả lời các chuyên gia bình duyệt là sự bất bình đẳng giữa tác giả và họ. Theo qui chế của bình duyệt kín, tác giả không biết danh tánh các chuyên gia. Chỉ có ban biên tập biết họ là ai. Thật ra, tất cả tác giả biết là họ là người cùng chuyên ngành, rất có thể là thành viên của ban biên tập. Nhưng họ biết tác giả là ai (qua tên họ, nơi làm việc, v.v.). Điều này dẫn đến một sự bất lợi là họ có thể tỏ ra mất lịch sự (thậm chí vô lễ) với tác giả, nhưng tác giả thì không thể hành xử mất lịch sự với họ. Trong điều kiện như thế, có một số qui tắt trả lời mà tác giả cần phải nằm lòng. Những qui tắc đó là trả lời một cách đầy đủ, lịch sự, và có chứng cứ.
Qui tắc 1: trả lời một cách đầy đủ. “Đầy đủ” ở đây phải hiểu theo nghĩa trả lời tất cả những câu hỏi (bất kể câu hỏi vô lí như thế nào), và sao chép nguyên văn những gì các chuyên gia viết (cho dù họ viết sai chính tả). Sao chép lại nguyên văn bình luận của người duyệt bài cũng là cách bắt buộc tác giả phải “lắng nghe” những gì người duyệt bài nói, và giúp tác giả phân định bao nhiêu điểm trong câu hỏi.
1. The rationale for stratifying the analysis by sex is not presented, and is not clear to me. Was this pre-specified? At the least, the results of the analysis for all participants combined should be presented as the primary analysis
Response: The prevalence of TB is higher in men than in women. Our previous study suggested that the prevalence of vitamin D insufficiency was higher in women than in men. Therefore, we pre-specified the analysis by sex. We do not think a combined analysis is meaningful here, because it could mask the sex-specific association.
“2. The authors state that association that they report cannot be interpreted as causal, and yet conclude the paper by suggesting that supplementation may have a role in prevention / treatment – this is inconsistent.”
Response: We have re-written the conclusion to be more consistent with the data: “Considering findings from previous work, and given the current epidemics of vitamin D insufficiency in the world and in Vietnam, the present finding warrants further studies to determine whether vitamin D supplementation can have a role in the prevention and treatment of tuberculosis in developing countries.”

Trong ví dụ trên, những câu trong ngoặc kép là sao chép nguyên văn của người duyệt bài, và "Response" là phần trả lời của tác giả. Thỉnh thoảng, tác giả cũng nên tỏ ra lịch sự bằng một câu mởi đầu, như "We thank the reviewer for taking time to consider our work.  Here, we would like to address the reviewer's concerns as follows:" (Chúng tôi cám ơn người duyệt bài đã bỏ thời gian xem xét bài báo của chúng tôi.  Ở đây, chúng tôi muốn trả lời những quan tâm của người duyệt như sau). Một câu như thế sẽ làm cho người duyệt bài thấy công lao mình bỏ ra không ... phí.
Ngay cả khi người duyệt bài khen bài báo, tác giả cũng cần nên trả lời. Trong trường hợp được khen, tác giả chỉ cần viết một cách ngắn gọn như “We appreciate the reviewer’s positive comment on our work. We also think that the work is a meaningful contribution to the literature” (Chúng tôi ghi nhận bình luận tích cực của bạn. Chúng tôi cũng nghĩ rằng công trình này thể hiện một đóng góp có ý nghĩa vào y văn).
Qui tắc 2: trả lời một cách lịch sự. Nên nhớ rằng tất cả các chuyên gia duyệt bài làm việc hoàn toàn tình nguyện, họ không nhận một thù lao hay đồng lương nào cả. Họ phải bỏ khá nhiều thì giờ để đọc, đối chiếu và viết bình luận. Ngoại trừ một số nhỏ (có thể rất nhỏ) chuyên gia hẹp hòi và tỏ ra ấu trĩ, phần lớn các chuyên gia là đồng nghiệp đều có nhã ý giúp đỡ chứ không phải đả phá.
Tác giả có quyền bất đồng ý kiến với người duyệt bài, nhưng cách biểu hiện bất đồng ý kiến sao cho người duyệt bài cảm thấy mình được trân trọng. Tác giả cần phải tránh thái độ (hay tỏ ra) ngạo mạn, phách lối, và tuyệt đối không được xúc phạm. Tránh những câu như “We totally disagree” (chúng tôi hoàn toàn bất đồng ý kiến), hay “The reviewer obviously does not know this field” (người duyệt bài hiển nhiên không am hiểu lĩnh vực này). Thay vì viết như thế, tác giả có thể viết lịch sự hơn như we agree with the reviewer …, but (chúng tôi đồng ý với người duyệt, nhưng …). Sau đây là một số câu thông thường cho tình huống bất đồng ý kiến:
  • We agree with the reviewer that …, but
  • The reviewer is correct to point out …, yet
  • In accordance with the reviewer’s suggestions, we have now changed this sentence to read …
  • While we agree with the reviewer that …
  • It is true that …, but
  • We acknowledge that our paper might have been …, but
  • We too were disappointed by the …, but
  • We agree that this is an important area that requires further work …
  • We support the reviewer’s assertion that …, although
  • With all due respect to the reviewer, we felt that this point is not consistent with current data …
Qui tắc 3: trả lời với bằng chứng. Quan trọng nhất trong văn bản trả lời các bình duyệt là bằng chứng. Thay vì chỉ nói “Chúng tôi không đồng ý”, thì tác giả nên thêm lí do tại sao không đồng ý, nhưng tốt hơn nữa là cung cấp bằng chứng để làm cơ sở cho luận điểm của mình. Bằng chứng có thể là những dữ liệu đã được công bố trước đây, nhưng cũng có thể là một tài liệu tham khảo.
6. It is stated that the ELISA cannot determine 25(OH)D2. I agree this is unlikely to be a significant confounder of the analysis. However in the discussion it is then stated without showing data that 25(OH)D2 was present in less than 10% sera. How was this ascertained if the ELISA could not detect it?”
Response: The 10% figure was quoted from a previous study. We have now provided the reference:
Saenger AK, Laha TJ, Bremner DE, Sadrzadeh SM. Quantification of serum 25-hydroxyvitamin D(2) and D(3) using HPLC-tandem mass spectrometry and examination of reference intervals for diagnosis of vitamin D deficiency. Am J Clin Pathol 2006;125:914-20

Các chuyên gia bình duyệt không phải là Thượng đế, mà cũng là con người bình thường như chúng ta. Thỉnh thoảng, họ không có thì giờ đọc bản thảo một cách cẩn thận, và họ có thể có nhận xét sai. Trong thực tế, điều này xảy ra không phải là hiếm. Trong trường hợp đó, tác giả không nên trả lời mỉa mai như “If the reviewer had bothered to read our paper …” (Nếu người duyệt bài chịu khó đọc bài báo của chúng tôi …) vì cách viết như thế sẽ được hiểu là trẻ con, và rất dễ làm cho người duyệt bài nổi nóng bác bỏ bài báo (họ cũng chỉ là con người với tham sân si). Thay vì trả lời mỉa mai, tác giả nên trả lời một cách “cao thượng” hơn như “We agree that this is an important issue, and we have already addressed it on page A, paragraph B, line C” (Chúng tôi đồng ý đây là điểm quan trọng, và chúng tôi cũng đã đề cập đến ở trang A, đoạn văn B, dòng C).
Thỉnh thoảng cũng có vài chuyên gia bình duyệt tỏ ra mất lịch sự và ấu trĩ. Những chuyên gia này thường muốn tỏ ra rằng họ có kiến thức, xem thường người đồng nghiệp khác để tự nâng họ lên, hay đưa ra những nhận xét châm biếm, hạ thấp tác giả, v.v. Đó là những thái độ cực kì thiếu chuyên nghiệp (unprofessional) và có thể nói là … vô giáo dục (uneducated). Trong trường hợp đó, tác giả không cần phải trả lời người duyệt bài (vì trả lời là tỏ ra mình quan tâm đến họ), mà viết riêng cho tổng biên tập, chỉ ra những thái độ ấu trĩ, những nhận xét thiếu tính chuyên nghiệp, và đề nghị không cho người đó nhận xét bất cứ bài báo nào trong tương lai. Tổng biên tập và ban biên tập cũng hiểu được vấn đề, nên họ thường tìm một chuyên gia khác “trưởng thành” hơn và chuyên nghiệp hơn. Trong thực tế, tôi đã từng thay mặt một nhóm tác giả Việt Nam phàn nàn một chuyên gia duyệt bài cho một tập san y khoa khi người này tỏ thái độ xem thường đồng nghiệp Việt Nam.
Cần nhớ rằng khi ban biên tập cho tác giả cơ hội trả lời bình duyệt thì điều đó có nghĩa là bài báo có cơ hội cao được công bố, với điều kiện tác giả trả lời hết những câu hỏi hay nhận xét của người duyệt bài. Do đó, tác giả không nên bỏ lỡ cơ hội này. Nếu tác giả trả lời không đầy đủ, hay khiếm nhã, hay tránh né vấn đề, thì xác suất bài báo bị từ chối sẽ rất cao. Trong thực tế, tôi cũng đã gặp nhiều trường hợp tác giả trả lời một cách hời hợt, và trong những trường hợp đó, tôi trả lại bài báo cho tác giả và đề nghị họ tìm một tập san khác. Tuỳ tập san, nhưng đối với những tập san tầm trung như JBMR, khoảng 50% bài báo bị trả về mà không cần gửi ra bình duyệt, sau khi bình duyệt khoảng 45% vẫn có thể bị từ chối, và ngay cả sau khi bình duyệt và trả lời, xác suất bị từ chối là khoảng 5%. Do đó, tác giả không nên bỏ sót bất cứ một chi tiết nhỏ nào trong khi trả lời.
Nói tóm lại, trả lời những nhận xét của các chuyên gia bình duyệt là một qui trình “give and take” (cho và nhận). Cho ý kiến và quan điểm của mình. Tiếp nhận ý kiến của người duyệt bài. Bí quyết để thành công trong văn bản trả lời chuyên gia bình duyệt là phải làm sao để người duyệt bài họ thấy mình được tôn trọng và ý kiến của họ được đánh giá cao. Để đạt được yêu cầu đó, xin nhắc lại 3 qui tắt trả lời: đầy đủ, lịch sự, và có chứng cứ.
N.V.T
TB. Nhân đây tôi cũng xin tạ lỗi cùng một nghiên cứu sinh N vì đã không giúp đỡ em đến nơi đến chốn. Đơn giản là vì tôi bận quá, và nếu sửa thì phải sửa lại gần như toàn bộ, mà kiến thức chuyên ngành của tôi thì không đủ. Mới sửa được phần đầu thì bận bịu đi đây đi đó nên trôi dần theo thời gian. Hi vọng em đã xong bài báo.
http://nguyenvantuan.net/otherskills/1586-cach-tra-loi-binh-duyet-response-to-peer-review-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét